KÍNH VẠN HOA, NHẬT KÝ CỦA MẸ, SÁNG TÁC, LƯỢM LẶT ĐÓ ĐÂY

20 thg 8, 2024

12 VĂN SỬ ĐỊA TRONG TÔI LÀ… (phần 1)

(Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng…)

            
          “TÂY LƯƠNG NỮ QUỐC” THU NHỎ

Tôi trở thành thành viên của 12 Văn Sử Địa, Trường Năng khiếu tỉnh Hưng Yên khi Trường đã được xây mới khang trang bên con đường dẫn vào Trường Cao đẳng Sư phạm. Thi thoảng nhớ về thời áo trắng, Tôi không khỏi bật lên thích thú với một hình dung “Trên một con đường nho nhỏ, có một ngôi trường to to, trong ngôi trường to to có những lớp học nho nhỏ, trong lớp học nho nhỏ có những bộ bàn ghế to to, trên những bộ bàn ghế to to có những cô cậu học trò nho nhỏ”. 

Lớp học của Tôi giống như tất cả các lớp học khác trong ngôi trường này, nhỏ nhắn, xinh xắn; lớp nào lớp ấy chỉ độ trên ba mươi bạn. Điểm khác biệt rõ rệt giữa các lớp chỉ cần liếc qua cũng nhận ra ngay, ấy là tỷ lệ giới tính. Nếu ở lớp chuyên tự nhiên, bạn nam “áp đảo” bạn nữ thì lớp Tôi ngược lại. Lớp thường được ví như “Tây Lương nữ quốc” thu nhỏ vì hơn ba mươi mống gái thì chỉ có “nhõn” hai trai là Vũ Ngọc Quang và Phạm Đức Minh. Thưở đó, hôm nào chúng tôi mặc áo dài trắng là lớp lại sáng bừng lên, bạn nào bạn ấy xinh tươi, nói thật là tự nhìn nhau cũng thấy thích (😍😍hí hí). Tôi từng nắc nỏm sung sướng khoe với con bạn vì nghĩ mình phát kiến ra một quy luật ít ai để ý “Đông nam ít nữ là chuyên tự nhiên; đông nữ ít nam là chuyên xã hội; tỷ lệ nữ trội là chuyên Pháp-Anh” (các bạn Anh – Pháp thông cảm Tôi đảo thành Pháp – Anh cho có vần… hihi). Nó nghe xong phán một câu xanh rờn làm Tôi chưng hửng “Lạy mợ, mợ làm như phát kiến gì ghê gớm lắm, điều đó ai mà chẳng biết, nó xưa như Trái Đất, cũ như 1+1=2 mợ ơi” (😅😅hic). 

Có lẽ đúng vậy. 20 năm ngày trở về, Tôi đoán rằng có rất nhiều thứ đã thay đổi song quy luật xanh rờn này biết đâu sẽ không đổi thay. Lớp chúng tôi, U40 rồi, dường như vẫn bắt gặp mình qua hình ảnh những “Tây Lương nữ quốc” thu nhỏ, những cô cậu học trò xinh tươi, tràn đầy sức sống và khát vọng trong ngôi trường thân thương ấy?!

CÁC THẦY GIÁO, CÔ GIÁO TRÊN CẢ TUYỆT VỜI

Khi còn học bên Chuyên Ban, Tôi và một số “chiến hữu” từng hậm hực một cách rất chi là trẻ con khi thấy các thầy cô giáo giỏi của “bên này” bị “cướp” về “bên ấy” như Thầy Khánh (Vật lý), Cô Ngọc (Địa lý), Cô Ngọc Anh (Hoá học), Cô Thủy (Tiếng Anh), Cô Hằng (Triết học)… Đến khi “nhập quốc tịch” sang đây, chao ôi, biết bao thầy cô làm con bé Tôi “mê tít”, lúc đó vẫn rất chi trẻ con, Tôi lại sung sướng, hạnh phúc hệt như “trúng số độc đắc” vậy!

Khi ấy, đội tuyển Văn quốc gia được làm “đệ tử” của ba “đại sư phụ” có tiếng.

Thầy Thức tài hoa, sắc sảo, luôn hướng dẫn chúng tôi cách tiếp cận tác phẩm với cái nhìn độc đáo, đầy phát hiện. Chỉ nội nghĩ đến việc, bà chị họ hơn Tôi hai tuổi cứ cuối tuần lại “vượt nắng, thắng mưa”, đạp xe hơn 10 cây số từ thị xã xuống khu Ba Hàng để “tầm sư học Văn” tại lớp của Thầy, trong khi mình lại chính danh là học trò được Thầy uốn nắn từng ý hiểu, cách làm là mũi Tôi lại phổng lên, kiêu hãnh. Thảng hoặc, Tôi có cảm giác như gặp ở Thầy nét tài hoa, độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân. Sau này, học tại Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm, bắt gặp ánh mắt tươi cười, hóm hỉnh, thông minh của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Tôi lại hình dung tới Thầy. Tôi còn nhớ như in, Thầy đã cho Tôi điểm 10 trong bài kiểm tra 15 phút về chi tiết “sợi chỉ xanh óng ánh” trong tác phẩm “Trăng sáng”. Đó là điểm 10 duy nhất trong cuộc đời học Văn của Tôi. Ít ai biết rằng, đó không chỉ là một điểm số đánh giá kết quả làm bài trong 15 phút đơn thuần, với Tôi đó là điểm của niềm tin, niềm hy vọng, sự động viên, sự khích lệ, sự thức tỉnh tình yêu đối với Văn chương trong thời điểm Tôi đang có những dao động, nhụt trí.

Vị “đại sư” thứ hai của đội tuyển chúng tôi là Thầy Kỳ (cũng là bố của bạn Quang cùng lớp). Thầy có kiến văn uyên thâm, khoa học, giảng về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cực kỳ thấu đáo. Tôi từng bị “choáng” trước pho tư liệu Thầy dày công tích lũy, sưu tầm. Học Đại học và có khoảng 10 năm giảng dạy môn Văn, Tôi ngộ ra rằng pho tư liệu quý giá được tích lũy bằng cả một đời đi dạy ấy là minh chứng sinh động cho tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm với Văn học, với sự nghiệp dạy học của Thầy.

Thầy Thanh (bên Sở Giáo dục – Đào tạo) chuyên ôn cho chúng tôi mảng nghị luận văn học, nghị luận xã hội. Tôi còn nhớ dịp nghỉ Tết nguyên đán, Thầy giao cho đội tuyển 5 bài văn nghị luận, ấy thế mà chúng tôi “mải vui quên mất lời Thầy dặn dò” đến nỗi bị Thầy mắng cho một trận, yêu cầu ngay hôm sau phải hoàn thành phần bài còn thiếu. Sự nghiêm khắc ấy khiến chúng tôi từ đó không dám xao nhãng nữa, học hành chuyên tâm hơn, cần cù hơn, có trách nhiệm hơn.

Chắc các bạn học đội tuyển Sử sẽ nhiều ký ức, kỷ niệm về Thầy Đào Ngọc Đình, còn với Tôi, dưới ngôi nhà chung 12 Văn Sử Địa, chúng tôi tự hào khi Thầy vừa là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy Lịch Sử nhưng hơn cả là một người cha thứ hai trong đời. Thầy có con gái là bạn Hoàng Anh cực xinh học cùng lớp chúng tôi; do nhà xa nên Thầy và Hoàng Anh ở nội trú sau dãy phòng học của Nhà trường. Giờ nghĩ lại vẫn bật cười, một lũ học trò nhí nhố, thi thoảng lấy cớ xuống phòng Thầy chơi, Thầy mời món gì “đánh chén” no nê cho bằng hết chẳng khách khí gì cả. Vui buồn, Thầy động viên. Có lỗi, Thầy nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía. Nhiều lúc, Tôi có cảm giác không chỉ Hoàng Anh mà ba mươi mấy đứa trong lớp đều được cưng chiều như con của Thầy vậy đó. Thầy có phương pháp giảng dạy Lịch Sử cuốn hút vô cùng khiến môn Sử không còn đáng sợ. Thầy hướng dẫn chúng tôi cách ôn thi Lịch sử bằng sơ đồ hóa, các dấu mốc, sự kiện lịch sử quan trọng của thế giới, Việt Nam đều tiến vào bộ nhớ của chúng tôi một cách dễ dàng đến lạ. Nhiều lúc Tôi thầm nghĩ, nếu giáo viên dạy Lịch Sử ở các trường bây giờ được như “đại sư phụ” của chúng tôi thì học sinh sẽ yêu thích môn học này biết bao nhiêu.

Nói tới Cô Ngọc, trong Tôi vẫn ngấm ngầm có một niềm tự hào thơ trẻ: Các bạn đội tuyển Địa có khi còn biết Cô sau mình vì Tôi từng là học trò của Cô hồi còn ở Trường Chuyên ban Thị xã. Khỏi phải nói, Tôi đã sung sướng thế nào khi gặp lại Cô, được học Cô dù mục tiêu của Tôi lúc đó là thi khối G (Toán, Văn, Sử) vào Học viện Cảnh sát. Cho tới giờ, Tôi vẫn thầm cảm ơn những giờ giảng trên lớp của Cô ngày đó bởi nhờ nó mà Tôi vượt vũ môn trong một tình huống bước ngoặt: Không có cơ hội thi khối G vì tỉnh không có chỉ tiêu tuyển sinh nữ vào Học viện Cảnh sát, các bạn có mục tiêu thi khối C ôn tự bao giở bao giờ còn Tôi vẻn vẹn có 1 tháng, đi thi môn Địa hoàn toàn bằng việc tái hiện kiến thức Cô giảng trên lớp. Vậy mà Tôi đỗ Đại học khối C nhờ hành trang cần thiết là những bài giảng tuyệt vời, tâm huyết, hết lòng vì học trò của Cô khi ấy.

Tôi từng vô cùng ngạc nhiên và có phần phấn khích khi được Thầy Tám Hiệu trưởng trực tiếp giảng dạy môn Toán, Thầy Thiêm Hiệu phó trực tiếp giảng dạy môn Anh vì ở những ngôi trường từng học, Tôi chưa thấy các thầy, cô trong Ban Giám hiệu trực tiếp đứng lớp bao giờ. Lớp Văn Sử Địa thì học Toán, học Anh đâu thể bằng chuyên tự nhiên, chuyên ngoại ngữ song các thầy rất kiên nhẫn, nhiệt tình, bồi đắp từng chút kiến thức qua mỗi bài giảng, khơi gợi từng chút, từng chút sự yêu thích môn học trong tâm hồn mơ mộng của các cô, cậu chuyên xã hội. Chúng tôi từng lo lắng, tưởng kết quả môn Toán, môn Anh không cao trong kỳ thi tốt nghiệp; ấy vậy mà kết quả hai môn đó lại cao không tưởng, giúp chúng tôi bước qua kỳ thi tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng, nhiều bạn được tuyển thẳng, được cộng điểm ưu tiên vào Đại học…

Còn biết bao thầy giáo, cô giáo của Trường đã đồng hành cùng chúng tôi trong những năm tháng ấy. Tôi vẫn nghĩ rằng một trong những điều hạnh phúc và sung sướng nhất đối với 12 Văn Sử Địa ấy là được học tập những thầy giáo, cô giáo tuyệt vời, mẫu mực về phẩm chất, nhân cách; những “cây đa, cây đề” về chuyên môn trong làng giáo của Tỉnh nhà như thế. Các thầy, cô đã đem đến không chỉ một bầu trời tri thức mà còn dạy chúng tôi những bài học làm người thấm thía. Những bài học đó, 20 năm, 30 năm hay nhiều năm sau hơn nữa, chúng tôi sẽ mãi không bao giờ quên... (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét