KÍNH VẠN HOA, NHẬT KÝ CỦA MẸ, SÁNG TÁC, LƯỢM LẶT ĐÓ ĐÂY

20 thg 1, 2014

NHỚ NGƯỜI...

Cảm giác nhớ nhung là một cảm giác khá lạ lùng, đặc biệt. Nó có thể khiến ta "bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa như ngồi đống rơm" nhưng cũng có thể cuốn ta vào trạng thái mông lung, mơ hồ, thậm chí là "sến sẩm", ủy mị. Ở góc độ giản dị hơn, đời hơn, cảm giác "nhớ người" đôi khi như một thói quen, một thới quen tưởng như đã trở thành tiềm thức...

Biết người đang ở nơi xa
Mà khi chiều xuống cả nhà đợi cơm!...

16 thg 1, 2014

CHIÊM BAO

               Có bao giờ, những thứ hiện diện xung quanh bạn, đơn thuần chỉ là cảm giác dù nó hoàn toàn hữu hình?! Tôi gọi nó là "chiêm bao"...

Chạm tay nhau
          .... Ấm....
                                            Một miền chiêm bao!

15 thg 1, 2014

CHO CON


           Chuẩn bị sinh con gái đầu lòng mà tôi – bà mẹ trẻ hai mươi nhăm tuổi - ngập tràn một nỗi hoang mang, lo lắng. Lo là vì tất cả những kinh nghiệm tôi đang có về cơ bản dựa trên sách vở, báo chí trong khi vẫn biết rằng “mọi lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Lo hơn là vì ba mẹ tôi đã sang định cư cùng anh chị ở nước ngoài, xa xôi cách trở không có ai để dựa dẫm rồi biết xoay xở ra sao. Đem nỗi băn khoăn ấy giãi bày với chồng, anh trấn an tôi rằng sẽ nhờ mẹ chồng ở quê lên đợi trước ngày dự kiến sinh một tháng rồi đỡ đần cho hai vợ chồng đến khi nào em bé cứng cáp mới về, anh còn “maketting” thêm “rồi em sẽ thấy mẹ rất tuyệt vời, mẹ từng học y tá, là bà đỡ cho trẻ con cả làng, lại còn có kinh nghiệm nuôi dạy sáu đứa con khôn lớn chứ ít gì”. Nghe anh nói, quả thật tôi cũng yên tâm phần nào nhưng vẫn không khỏi ái ngại vì dù sao mẹ cũng là thế hệ trước, lại ở quê, cách chăm sóc trẻ con ngày xưa với bây giờ liệu có còn phù hợp? Hơn nữa, mẹ mà lại thuộc tuýp người khó tính khó nết thì không khéo quan hệ mẹ chồng – nàng dâu lại căng thẳng. Chẳng là vợ chồng tôi sống ở thành phố, đám cưới xong tôi bầu bí ngay nên cũng ít về quê, từ hồi đó tới giờ cũng chưa phải “làm dâu” ngày nào.

            Hôm mẹ từ quê lên đã làm tôi “choáng” ngay. Hành trang của mẹ thật đặc biệt, đồ dùng cá nhân thì ít (đâu như có vài ba bộ quần áo) nhưng có một cái bao đựng những lá lẩu gì trong đó tôi cũng chẳng rõ. 
           

KẺ THÙ VÔ HÌNH CHỐN PHÒNG THE

           Phòng tôi có cả thảy năm nhân viên, nhiều tuổi có, ít tuổi cũng có nhưng chỉ mình tôi là nữ nên được ưu ái bố trí ngồi làm việc trong một “không gian riêng tư” ngăn cách với không gian rộng lớn của các anh em bên ngoài bằng một tấm chắn bằng nhựa, được sơn màu như tường thật. Nhờ vậy, tôi thì thoải mái với góc nhỏ kín đáo của mình, các anh cũng không phải giữ kẽ mỗi khi giải lao bên tuần trà nóng, “tám” chuyện rôm rả (từ những chuyện “to như con voi” đến những chuyện “nhỏ như con thỏ”, từ những chuyện “kinh thiên động địa”, thời sự trong nước, thời sự quốc tế đến những chuyện tế nhị nơi phòng the…). Và tôi, đương nhiên trở thành “thính giả bất đắc dĩ” của những cuộc trò chuyện bất tận ấy.

          Đó là cuộc trò chuyện tôi mới “hóng hớt” được vào sáng hôm qua nhưng để lại trong tôi suy ngẫm.. Như thường lệ, sau khoảng một tiếng đầu giờ giải quyết các công việc (chắc là đã ổn thỏa), các anh lại hò nhau pha trà giải lao. Ban đầu cũng vẫn là những câu chuyện “xưa như phố huyện”, nào là thời tiết chuyển mùa, người già trẻ con ốm đau, nào là chuyện y đức trong mấy vụ án gần đây liên quan đến ngành y, rồi thì chuyện bóng đá, chuyện quốc hội,… “Hội nghị bàn tròn” chỉ thật sự sôi nổi bắt đầu từ câu hỏi của anh Thắng:
- Thằng em Tuấn hôm nay mặt mũi làm sao nhăn như khỉ phải ớt thế? Khai thật đi, đêm qua chú mày bị vợ cấm vận phỏng?

14 thg 1, 2014

LỤC BÌNH

Quê tôi gọi "nó" là "bèo tây". Trong văn chương, "nó" được gọi bằng một cái tên nghe "văn chương" hơn, là "lục bình". Dù vậy, dù gọi bằng một cái tên dân dã, giản dị hay sang trọng, mĩ miều, nhìn nó, tôi không khỏi hình dung tới những số kiếp dập dềnh, chìm nổi, trôi... trôi...


Cứ dập dềnh... lặng lẽ... trôi... trôi...

Trong - Đục...
           ... Vô minh...

13 thg 1, 2014

XIN CẢM ƠN NỖI BUỒN

      Nếu đong đếm được - mất, thành - bại của cuộc đời bằng niềm vui, nỗi buồn. Ai cũng muốn đời mình chỉ ngập tràn nụ cười và hoan hỉ. Không nước mắt, nụ cười nghĩa lý gì đâu nhỉ?! Và niềm vui cũng trở thành vô vị nếu thiếu vắng nỗi buồn.
     Xin cảm ơn nỗi buồn! Cảm ơn nỗi buồn cho ta thấy trái tim còn khát khao, thổn thức mỗi đêm khuya trống vắng riêng mình. Cảm ơn nỗi buồn cho ta biết tâm hồn chưa trơ lỳ, vô cảm trước cuộc đời còn lắm nỗi truân chuyên. Trải nghiệm nỗi buồn cùng những mất mát đắng cay, những thăng trầm khắc khoải, ta thấy mình khôn lớn!
     Nụ cười chẳng mãi nở trên môi, niềm vui đâu triền miên ngày tháng mà đường đời lại rộng dài phía trước... Ta học cách biết buồn!

12 thg 1, 2014

NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA ANH!


Trong những bài thơ nhọc nhằn về cuộc đời của anh
Có dáng hình em!
         người đàn bà hao gầy
               đôi mắt biết nói
     khắc khoải trong những đêm chồng ốm, con ốm...

Anh đã nếm vị ngọt ngào say đắm
trái cấm em trao
Anh đã nếm cơm dẻo canh ngon
bàn tay em nấu
Và anh cũng đã nếm
vị mặn nước mắt em ướt đầm vai áo
để trái tim trong ngực anh cũng tan thành nước mắt...

8 thg 1, 2014

TÔN GIÁO VÀ VĂN HỌC


(Tiếp theo)
Tôn giáo đã đóng góp đáng kể trong việc tạo nên nhiều kỳ tích trong nghệ thuật, trước hết nó “đã góp phần tạo nên những hình tượng thiêng của thần thánh làm đề tài cho hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc…” [03, 42].  Đối với văn học, việc sử dụng đề tài tôn giáo là khá phổ biến. Ở đây, có thể nói đến một số những đề tài tôn giáo quen thuộc trong văn học mà trước hết là “đề tài về hình tượng những bậc khai môn lập giáo” như Đức Chúa Jesus (Thiên Chúa giáo), Đức Phật Thích ca (Phật giáo). Trong đó, hình tượng Jesus Christ được xây dựng ở khá nhiều tác phẩm văn học thế giới nghìn năm qua và gần đây, một số tác giả đã tiếp tục khai thác đề tài về hình tượng này và đã tạo nên các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới như: Cuộc mưu sát các ảo ảnh của Tendriakov (1982), Và hòn đá ấy đã trở thành Đấng cứu thế của Silva Otero (1985), Đoạn đầu đài của Aitmatov (1986), Sự cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis và Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov (1973)… Đặc biệt, vào những năm đầu thế kỷ XXI, đề tài tôn giáo về hình tượng Đức Chúa Jesus cùng những bí mật gây nhiều tranh cãi trong cuộc đời con người này đã trở thành điểm nhấn trong nhiều tiểu thuyết trinh thám thuộc hàng best seller và được đông đảo độc giả nhiều nơi trên thế giới đón chờ như: Mật mã Da Vinci (2005); Thiên thần và Ác quỷ của Dan Brown; Nhật ký bí mật của Chúa - Raymond Khoury (2005)… Về hình tượng Đức Phật Thích Ca, người đọc có thể gặp trong tác phẩm Cuộc Đời Đức Phật qua Truyền Thuyết và Lịch Sử của E. J. Thomas (1927); Cuộc Đời Đức Phật của Tỳ kheo ~Nyaa.namoli (1972) nhưng xét cho cùng hai tác phẩm này mới dừng lại ở sự nỗ lực xây dựng lại cuộc đời Đức Phật lịch sử – bậc Thánh Triết của dòng họ Thích Ca. Tác phẩm tái hiện hình tượng Đức Phật Thích Ca thực sự có giá trị văn chương nghệ thuật phải kể đến là cuốn tiểu thuyết  mang tính cách ngôn Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse mặc dù nhân vật chính Siddhartha không phải là Phật mà là một người Ấn Độ trong thời đại của Phật đã bỏ nhà ra đi để tìm sự khai sáng. 

7 thg 1, 2014

TÔN GIÁO VÀ VĂN HỌC

Giáo trình Triết học Mác – Lênin, phần trình bày về hình thái kinh tế xã hội có định nghĩa: “Kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật... cùng với những thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể xã hội... được hình thành trên cơ sở hạ tầng nhất định”[09, 359], trong đó mỗi yếu tố của kiến trúc thượng tầng như chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật... có đặc điểm riêng, có quy luật vận động phát triển riêng nhưng “không có hình thái ý thức xã hội nào tồn tại độc lập tuyệt đối như trong chân không” [11, 27], chúng liên hệ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và đều hình thành trên cơ sở hạ tầng. Văn học nằm trong nghệ thuật nói chung. Như vậy, mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học là mối quan hệ ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau của hai hình thái ý thức thuộc kiến trúc thượng tầng trong cấu trúc của một xã hội.
Ngày nay, càng ngày chúng ta càng không thể phủ nhận được vai trò cực kỳ to lớn của tâm linh (niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo) đối với đời sống con người. Là một mặt quan trọng của đời sống tinh thần, sự tồn tại của tôn giáo với các yếu tố của nó trong hiện thực cuộc sống con người là không thể phủ nhận được. 

6 thg 1, 2014

NHỚ LẮM, TẾT QUÊ!

Từ khi tôi còn là con nhóc bé xíu đến giờ là cô sinh viên năm cuối, năm nào cũng vậy, cứ khoảng 26, 27 tết là gia đình tôi lại thu xếp công việc, rộn ràng sửa soạn để về quê đón xuân cùng ông bà. Bố tôi bảo, ăn tết ở quê vui hơn, có không khí hơn, với lại “cả năm xuôi ngược đất khách quê người, đó cũng là dịp để gia đình sum họp, con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ”; quan trọng hơn là để “giữ nếp nhà, bồi đắp thêm tình cảm gắn bó của con cháu với gia đình cùng quê hương, bản quán”. Còn cái con bé hai mươi mấy tuổi đầu là tôi ấy thì cũng không nghĩ nhiều, nghĩ sâu đến thế, trong ấn tượng của tôi “tết ở quê thật đặc biệt”!
Các bạn trẻ đón tết ở thành phố chắc chẳng thể hình dung nổi “mổ lợn ăn tết” là thế nào, không khéo có bạn nghe nói còn bĩu môi “vẽ chuyện, thực phẩm đầy chợ, đầy siêu thị, đi một cua là mua đủ cho mấy ngày tết, mổ lợn làm gì cho nó bận ra”. Nhưng chúng tôi ăn tết ở quê và như một thói quen, chúng tôi mong chờ buổi sáng tinh mơ ngày 28, khi không khí tết tràn về năm gian nhà của ông bà trong làn mưa xuân bay lất phất, làn gió lạnh ẩm thoang thoảng hương trầm là lúc tất cả các thành viên trong gia đình tôi chẳng ai bảo ai cùng dậy thật sớm, mỗi người xăm xắm một việc để chuẩn bị “mổ lợn”: Bà tôi sắp ra nào mo, nào lạt, rồi chậu, rồi thớt, rồi dao; Bố mẹ tôi bảo nhau bắc rồi nước to, rang đỗ, rang lạc; Tôi cùng mấy đứa em vừa trò chuyện vừa luôn tay nhặt hành, nhặt răm và các loại rau thơm khác…

5 thg 1, 2014

CHUYỆN TÌNH CHÀNG ĐÔNKIHÔTÊ VÀ NÀNG DULXINEA

    
  … Ba mươi tuổi. Mẹ giục: “Thu xếp công việc, giành thời gian yêu lấy một đứa rồi cưới đi con ạ. Bằng tuổi mày, người ta con bế con bồng rồi ấy chứ!”. Bố thuộc trường phái đặt sự nghiệp lên hàng đầu vậy mà cũng đồng tình cho là phải. Đã đến lúc tôi phải yêu lấy một người, phải có một gia đình nho nhỏ cho riêng mình, phải có những đứa cháu xinh xắn cho mẹ bế bồng? Tôi soi mình trong gương. Khá trẻ. Thực ra yêu một người không phải chuyện đơn giản, cứ thích, cứ muốn là được. Chuyện tình cảm khác xa với việc lập ra một cái thời gian biểu. Nhưng không hiểu sao, dần dần tôi nhận ra rằng cái thời gian biểu tưởng tượng chi chít những công việc của mình đã có những khoảng trống. Mẹ đánh thức tôi hay tôi tự rung chuông đánh thức chính mình? Ba mươi tuổi và những giây phút thật cô đơn đối diện với khoảng trống hiện hữu trong lòng, tôi biết, mình khao khát…

     Lan gấp vội cuốn sổ nhỏ và để ngay ngắn vào vị trí cũ khi nghe bước chân anh đến gần.