KÍNH VẠN HOA, NHẬT KÝ CỦA MẸ, SÁNG TÁC, LƯỢM LẶT ĐÓ ĐÂY

7 thg 1, 2014

TÔN GIÁO VÀ VĂN HỌC

Giáo trình Triết học Mác – Lênin, phần trình bày về hình thái kinh tế xã hội có định nghĩa: “Kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật... cùng với những thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể xã hội... được hình thành trên cơ sở hạ tầng nhất định”[09, 359], trong đó mỗi yếu tố của kiến trúc thượng tầng như chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật... có đặc điểm riêng, có quy luật vận động phát triển riêng nhưng “không có hình thái ý thức xã hội nào tồn tại độc lập tuyệt đối như trong chân không” [11, 27], chúng liên hệ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và đều hình thành trên cơ sở hạ tầng. Văn học nằm trong nghệ thuật nói chung. Như vậy, mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học là mối quan hệ ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau của hai hình thái ý thức thuộc kiến trúc thượng tầng trong cấu trúc của một xã hội.
Ngày nay, càng ngày chúng ta càng không thể phủ nhận được vai trò cực kỳ to lớn của tâm linh (niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo) đối với đời sống con người. Là một mặt quan trọng của đời sống tinh thần, sự tồn tại của tôn giáo với các yếu tố của nó trong hiện thực cuộc sống con người là không thể phủ nhận được. 
Hơn nữa, một trong những đặc trưng của văn học là phản ánh hiện thực, tất nhiên nó không phải sự mô phỏng, minh hoạ hiện thực một cách hời hợt, dễ dãi. Vì vậy sự hiện diện của tôn giáo như một mảng của hiện thực đời sống con người vào trong tác phẩm văn học cũng là một thực tế, một sự tất yếu.
Phương Lựu trong phần viết về Thi học so sánh có đưa ra một nhận xét rất xác đáng về mối quan hệ này trên cơ sở đối sánh với mối quan hệ giữa triết học, đạo đức với văn học: “Đạo đức, nhất là triết học tác động mạnh mẽ đến nghệ thuật nhưng tôn giáo lại gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật theo một ý nghĩa khác. Triết học dù sâu sắc bao nhiêu, đạo đức dù có cao cả đến đâu, cũng là nhằm giải thích thế giới hoặc hướng đạo cuộc sống thực tế. Còn tôn giáo bao giờ cũng hướng về một thế giới khác, cho nên nó dễ bắt gặp tính chất lí tưởng vươn lên trên thực tế của nghệ thuật... Tôn giáo tác động đến văn học, và từ đó đến thi học, là vì cả hai, trên một ý nghĩa nào đó, đều là siêu thực” [05, 547]. Theo tác giả, cái chất keo khiến tôn giáo và nghệ thuật gắn bó chặt chẽ là tính siêu thực, lý tưởng trong thế giới hình tượng mà văn học và tôn giáo xây dựng lên.
Có thể nói, mối quan hệ giữa tôn giáo và văn học là một mối quan hệ gắn bó lâu bền và đã được kiểm nghiệm qua thời gian. Các tư tưởng, giáo lý tôn giáo bên cạnh các phương thức tồn tại thông thường như nghi thức, niềm tin hoặc kiến trúc, điêu khắc... còn mượn hình thức biểu hiện bằng chính ngôn ngữ, hình tượng văn học để tồn tại, lưu truyền. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Kinh Thánh, Kinh Coran, Kinh Veda, những cuốn sách ghi triết lý nhà Phật, những lời dạy của Khổng tử, Mạnh tử, những trước tác của Lão – Trang... ở một góc độ nào đó được xem là những sáng tạo nghệ thuật đích thực, không chỉ trong thời kỳ văn - sử - triết bất phân mà cả trong thời kỳ hiện đại.
Về phần mình, văn học cũng tìm thấy ở tôn giáo một nguồn mạch vô tận về đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình ảnh, motip, nhân vật, cốt truyện...Có thể nói “tôn giáo đã góp phần tạo nên nhiều kỳ tích trong nghệ thuật” [03, 41]. Hai xu hướng chính trong các tác phẩm văn học ghi đậm dấu ấn tôn giáo là: Xu hướng thứ nhất, các nhà văn dùng những tư tưởng sâu sắc, đầy nhân bản, hướng thiện và mang đậm ý niệm triết học của tôn giáo để soi sáng thế tục và ngược lại, xu hướng thứ hai là các nhà văn đem thế tục để soi vào tôn giáo.  Song, tác phẩm văn học nếu chỉ dừng lại ở minh hoạ hay truyền bá nội dung tư tưởng tôn giáo thì khó có thể trở thành kiệt tác. Ở những tác phẩm lớn có dấu vết tôn giáo, thường thấy tôn giáo đóng vai trò như một chất liệu nghệ thuật, có những chức năng nghệ thuật riêng nhưng quan trọng nhất là nó giúp khám phá đời sống, tâm hồn con người ở chiều sâu mới. Tất nhiên ở mỗi một thời đại, mỗi một dân tộc mối quan hệ tôn giáo – văn học có những quy luật riêng phù hợp với đặc điểm lịch sử, xã hội của dân tộc và của thời đại đó.
Trong buổi sơ khai của lịch sử, thần thoại chính là tôn giáo của người Hy Lạp ”[10, 23], nói khác đi ở thời kỳ trình độ nhận thức còn thấp và tư duy của con người còn mang tính chất nguyên hợp, tôn giáo và văn học lẫn vào nhau. Khi trình độ nhận thức và tư duy của con người được nâng cao, văn học viết ra đời và phát triển, tôn giáo và văn học, cái này không phải là cái kia và ngược lại bởi chúng đã quan hệ với nhau theo những quy luật mới phù hợp hơn nhưng không kém gắn bó.Trong số các nền văn học trên thế giới, có không ít các nền văn học có quan hệ cực kỳ mật thiết với tôn giáo, chẳng hạn như văn học Ấn Độ, văn học Trung Quốc, văn học Nga… Với văn học Ấn Độ “gần như toàn bộ các tác phẩm văn học Ấn Độ (…) đều liên quan tới đề tài tôn giáo” và “quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ Ấn Độ cũng được nhìn nhận như một nỗ lực tôn giáo” [12, 182]. Nhận xét về một trong những đặc điểm nổi bật của văn học Nga thế kỷ XIX, nhà triết học tôn giáo Nga N.L. Berdyaev (1874-1948) đã viết: “Trong văn học Nga, ở các nhà văn Nga vĩ đại, các motip và đề tài tôn giáo có tác động mạnh mẽ hơn bất kỳ nền văn học nào. Toàn bộ nền văn học thế kỷ XIX của chúng ta bị hành hạ bởi đề tài Kyto giáo, nó luôn kiếm tìm sự cứu rỗi, sự giải thoát khỏi cái ác, niềm khổ đau, nỗi sợ hãi trong cuộc sống của cá nhân con người, của dân tộc và của thế giới. Tư tưởng tôn giáo nhức nhối trong những tác phẩm lớn của nó” [04, 07]. Có thể nói, những biểu hiện của phong cách tôn giáo hoá thông qua các yếu tố tôn giáo trong văn học là vô cùng phong phú, đa dạng, thậm chí khá phức tạp. Tuy vậy, dựa vào tính phổ biến, chúng ta có thể tìm hiểu những sự ảnh hưởng của tôn giáo trong văn học ở các cấp độ như: Đề tài tôn giáo; Hình tượng và chi tiết tôn giáo; Môtip tôn giáo; Cảm quan và tư tưởng tôn giáo…
(Còn nữa)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.                Các Mác – Ph.Ănghen - Tuyển tập T1. NXB Sự thật. HN 1980
2.                Đào Ngọc Chương - Hiện tượng chuyển hoá trong văn học - Trường hợp huyền thoại . Tạp chí nghiên cứu văn học số 11/2008
3.                Hà Minh Đức - Hưởng thụ văn hoá và văn hoá hưởng thụ. Tạp chí nghiên cứu văn học số 10 / 2008
4.                Phạm Gia Lâm – Motip Kyto giáo trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Magarita” của M.Bulgakov (Thử nghiệm tiếp cận liên văn bản) – Trang web vienvanhoc.org.com (10/2006)
5.                Phương Lựu - Phương Lựu tuyển tập T2 (Lí luận văn học hiện đại phương Tây kết hợp luôn vấn đề Thi học so sánh). NXB Giáo dục. HN 2005.
6.                Nguyễn Đăng Mạnh - Những bài giảng về tác gia văn học Việt Nam hiện đại. NXB Đại học Sư phạm. HN 2005
7.                Hoài Nam - Phật sử và hư cấu văn chương – evan.com (Thứ sáu ngày 18/5/2007)
8.                N.I.Niculin – Các tôn giáo cổ truyền và văn học Việt Nam thế kỉ XX. Tạp chí văn học số 11 / 2000
9.                Nhiều tác giả - Giáo trình triết học Mác – Lênin (Dùng trong các trường đại học, cao đẳng). NXB Chính trị quốc gia. HN 2004.
10.            Nhiều tác giả - Văn học Phương Tây. NXB Giáo dục. HN 1999
11.            Trần Đình Sử (chủ biên) – Giáo trình Lí luận văn học T1 (Giáo trình Cao đẳng sư phạm). NXB Đại học Sư phạm. HN2006
12.            Lương Duy Thứ (chủ biên) - Đại cương văn hoá phương Đông – NXB Giáo dục. HN 1996


                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét