KÍNH VẠN HOA, NHẬT KÝ CỦA MẸ, SÁNG TÁC, LƯỢM LẶT ĐÓ ĐÂY

8 thg 1, 2014

TÔN GIÁO VÀ VĂN HỌC


(Tiếp theo)
Tôn giáo đã đóng góp đáng kể trong việc tạo nên nhiều kỳ tích trong nghệ thuật, trước hết nó “đã góp phần tạo nên những hình tượng thiêng của thần thánh làm đề tài cho hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc…” [03, 42].  Đối với văn học, việc sử dụng đề tài tôn giáo là khá phổ biến. Ở đây, có thể nói đến một số những đề tài tôn giáo quen thuộc trong văn học mà trước hết là “đề tài về hình tượng những bậc khai môn lập giáo” như Đức Chúa Jesus (Thiên Chúa giáo), Đức Phật Thích ca (Phật giáo). Trong đó, hình tượng Jesus Christ được xây dựng ở khá nhiều tác phẩm văn học thế giới nghìn năm qua và gần đây, một số tác giả đã tiếp tục khai thác đề tài về hình tượng này và đã tạo nên các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới như: Cuộc mưu sát các ảo ảnh của Tendriakov (1982), Và hòn đá ấy đã trở thành Đấng cứu thế của Silva Otero (1985), Đoạn đầu đài của Aitmatov (1986), Sự cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis và Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov (1973)… Đặc biệt, vào những năm đầu thế kỷ XXI, đề tài tôn giáo về hình tượng Đức Chúa Jesus cùng những bí mật gây nhiều tranh cãi trong cuộc đời con người này đã trở thành điểm nhấn trong nhiều tiểu thuyết trinh thám thuộc hàng best seller và được đông đảo độc giả nhiều nơi trên thế giới đón chờ như: Mật mã Da Vinci (2005); Thiên thần và Ác quỷ của Dan Brown; Nhật ký bí mật của Chúa - Raymond Khoury (2005)… Về hình tượng Đức Phật Thích Ca, người đọc có thể gặp trong tác phẩm Cuộc Đời Đức Phật qua Truyền Thuyết và Lịch Sử của E. J. Thomas (1927); Cuộc Đời Đức Phật của Tỳ kheo ~Nyaa.namoli (1972) nhưng xét cho cùng hai tác phẩm này mới dừng lại ở sự nỗ lực xây dựng lại cuộc đời Đức Phật lịch sử – bậc Thánh Triết của dòng họ Thích Ca. Tác phẩm tái hiện hình tượng Đức Phật Thích Ca thực sự có giá trị văn chương nghệ thuật phải kể đến là cuốn tiểu thuyết  mang tính cách ngôn Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse mặc dù nhân vật chính Siddhartha không phải là Phật mà là một người Ấn Độ trong thời đại của Phật đã bỏ nhà ra đi để tìm sự khai sáng. 
Ở Việt Nam, có thể kể đến những tác phẩm như Ánh đạo vàng của Võ Đình Cường và Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh nhưng dù sao nhiều ý kiến cho rằng hai tác phẩm này chỉ là truyện kể về đời Phật qua thao tác “diễn nôm” từ kinh Phật, chưa phải là tiểu thuyết và phải đến tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái (2007) thì hình tượng Đức Phật mới trở thành hình tượng xuyên suốt trong một tác phẩm văn chương có thể nói là thành công trên văn đàn Việt Nam khi dám dấn bước vào một đề tài hấp dẫn và cực kỳ khó viết: Cuộc đời Đức Phật.
Bên cạnh đề tài về những bậc đại tôn sư, những Đấng Cứu thế, Đấng Giác ngộ khai sinh các tôn giáo lớn trên thế giới, đề tài “Thế giới bên kia” cũng là một trong những đề tài tôn giáo khá quen thuộc với văn học tôn giáo cũng như văn học thế tục. Phần Sấm kí của Thánh Giăng trong Kinh Thánh đạo Thiên Chúa, phần mô tả cảnh cực lạc trong Kinh Phật đều là những trang văn chương đầy ánh sáng và chất thơ. Xuất phát và thành công khi viết về đề tài thế giới bên kia không thể không kể đến tác phẩm Thần khúc của Đantê (Italia). Tác phẩm gồm 100 khúc ca với 14226 câu thơ ghi lại những cảnh tượng lạ lùng trong cuộc hành trình của nhà thơ Đantê và người dẫn đường qua ba cõi huyền bí ở thế giới bên kia (Địa ngục, Tĩnh ngục, Thiên đường). Trong văn học Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm triển khai đề tài thế giới bên kia như Khảm hải (văn học dân gian dân tộc Tày); Phạm Công – Cúc Hoa; Phạm Tải - Ngọc Hoa (Truyện Nôm khuyết danh); Văn chiêu hồn (Nguyễn Du); Dương Từ - Hà Mậu (Nguyễn Đình Chiểu)… Mới đây, xuất hiện tác phẩm Cõi luân hồi  (văn học Trung Quốc) của tác giả Thần Long (Thần Long là bút danh, chưa xác định được tên họ thật sự) - một tác phẩm viết về thế giới bên kia với nhân vật chính là một tiểu ngạ quỷ hầu hạ dưới quyền Ty chủ cõi Luân hồi. Với bút pháp uyển chuyển, bút lực thâm hậu và kiến văn vững chãi trong triển khai một đề tài khác biệt so với các tác phẩm đương thời và sử dụng đích đáng những điển tích, điển cố của nhà Phật, tác phẩm thực sự có giá trị và gây nhiều xúc động trong lòng độc giả bởi tính nhân văn chất chứa trong đó.
Ngoài ra, Kinh Thánh Thiên Chúa giáo còn mang đến cho văn học “đề tài về chuyện những con người đầu tiên trên trái đất”. Xuất phát từ đề tài này, nhà thơ Bairơn đã sáng tạo ra một tác phẩm cách mạng: Vở kịch triết lý Cain (1821). Trong Kinh Thánh, Cain là kẻ phạm tội giết người đầu tiên (giết em trai Abel) trên thế giới, trong vở kịch của Bairơn tác giả đã xây dựng Cain là người nổi loạn đầu tiên trên trái đất để chống lại quyền độc đoán của Chúa trời đã bắt loài người phải sống trong cảnh nô lệ và đau khổ.
Phong cách tôn giáo hoá còn được biểu hiện trong tác phẩm văn học thông qua những hình tượng và chi tiết tôn giáo độc đáo. Chẳng hạn như hình tượng: Chúa (Thượng đế), quỷ, thiên thần (Thiên Chúa giáo) trong các tác phẩm: Thần khúc của Đantê; Fauxt của Gớt; Cain của Bairơn; Lũ người quỷ ám của Đôxtôievxki; Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov; Thơ Dâng của Rabindranath Tagore; thơ Hàn Mặc Tử…
Trong Thần khúc của Đantê có hình ảnh lũ quỷ chuyên tra tấn những linh hồn tội lỗi nơi địa ngục “Lũ quỷ đã cánh xoè rợp đất - Ầm ầm xô đến phía chúng tôi”, hình ảnh những thiên thần như hư như thực trở thuyền cho các tội nhân được vào Tĩnh ngục, đặc biệt là nàng Bêatơrix, nàng hiện ra trong cỗ xe thiêng liêng giữa đám mưa hoa với dáng dấp thiên thần “khăn trùm trắng muốt”, “áo khoác màu xanh”, “áo dài màu lửa” để chỉ lối cho Đantê lên đến Thiên đường và ở những chương cuối trên Thiên đường, giữa vầng hào quang rực rỡ, Đấng cứu thế hiển hiện. Những hình tượng Đấng cứu thế, thiên thần Bêatơrix trong tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo thuần tuý mà đã mang ý nghĩa tượng trưng cho Tình yêu, cái Đẹp (Bêatơrix), cho sự kết tinh, sự thăng hoa của Chân, Thiện, Mỹ (Đấng cứu thế) để từ đó làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm là niềm tin tưởng vào lí trí và tình yêu của con người, niềm tin tưởng rằng một ngày nào đó những ai có trí tuệ, có trái tim, giàu lòng thương người cũng sẽ vươn tới Chân, Thiện, Mỹ.
Vở kịch Fauxt của Gớt cũng xuất hiện hình tượng Chúa, quỷ, thiên thần ngay trong “Khúc dạo đầu trên thiên đường”. Quỷ đánh cuộc với Chúa sẽ làm cho Fauxt thoả mãn với những dục vọng thấp hèn. Sự đánh cuộc của Chúa và quỷ vừa dẫn khán giả vào kịch, vừa nêu trước vấn đề: Bản chất của Fauxt thế nào? Bản chất con người ra sao? Chúa và quỷ ai có lý? Quỷ và Fauxt đã gặp và giao ước với nhau: Quỷ sẽ thoả mãn mọi ý muốn của Fauxt với điều kiện khi Fauxt đã thoả mãn rồi, linh hồn ông sẽ thuộc về quỷ nhưng mọi cám dỗ của quỷ bằng ăn chơi, sắc dục hay vinh hoa đều thất bại trước Fauxt. Khi quỷ Mêphixtô tưởng mình đã hoàn thành đúng lời giao ước, chực sẵn để bắt linh hồn Fauxt thì các thiên thần đã xuống đón linh hồn Fauxt lên thiên đường. Các hình tượng Chúa, quỷ, thiên thần vay mượn từ tôn giáo đã được tái mã hoá không còn chỉ thuần mang ý nghĩa tôn giáo mà đã trở thành những biểu tượng nghệ thuật góp phần kiến thiết nên một thế giới nghệ thuật hấp dẫn trong kiệt tác Fauxt của Gớt.
Vở kịch triết lý Cain của Bairơn là một vở kịch cách mạng nên cũng có hình tượng Chúa, hình tượng thiên thần nhưng Chúa được khắc hoạ với đủ các nét tính cách của một tên độc tài: ham quyền lực, kiêu ngạo, tham lam, thích nịnh hót, thích trả thù còn hình tượng thiên thần lại được hiện diện qua nhân vật Luxife bị đuổi ra khỏi thượng giới nhưng vẫn không chịu khuất phục.
Tác phẩm Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov với hệ thống hơn 500 nhân vật khiến người đọc chú ý đến hình tượng chúa quỷ Satan Voland (gợi liên tưởng tới quỷ Mêphixtô trong Fauxt của Gớt) và cặp nhân vật Ponti Pilat và Iesua Ha-Notxri (nguyên mẫu từ Ponti Pilat và Christ Jesus trong Kinh Thánh) đã góp phần làm nên “một trong những trang tuyệt vời nhất của văn học Nga thế kỷ XX”.
Rabindranath Tagore với tập Thơ Dâng, tập thơ đã đem lại cho ông giải thưởng Nobel vào năm 1913, đã không ngớt lời ca ngợi Thượng đế. Hình ảnh Thượng đế trong sự sùng kính của R. Tagore thể hiện khát vọng vươn tới hoà hợp giữa Atman (linh hồn cá thể) và Brahman (đấng sáng tạo tuyệt đối, linh hồn vũ trụ).
Với Hàn Mặc Tử - một nhà thơ nổi bật trong phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) ở Việt Nam mà nói như Hoài Thanh: “Hàn Mặc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa”- nhiều chỗ hình ảnh Chúa được bao bọc, tôn vinh bằng ngôn ngữ nhà Phật, làm cho nội dung câu thơ vượt khỏi giới hạn một tôn giáo để trở thành nhân loại, trở thành tiếng nói chung về tinh thần nhân bản, tính nhân văn, khát vọng vượt lên bể khổ trầm luân để tìm nguồn vui sống của con người.
Dấu ấn của tôn giáo còn đọng lại trong văn học ở hình tượng những nhà tu hành vì họ là lực lượng không thể thiếu trong tổ chức của bất kì một tôn giáo nào. Văn học đã xây dựng thành công không ít hình tượng những linh mục, những cha xứ, những giáo chủ thuộc Đạo Thiên Chúa, chẳng hạn như hình tượng linh mục Myrien (Những người khốn khổ của Victor Huygô) bằng tình thương và sự bao dung của mình đã cảm hoá được Giăng Văn Giăng quay về với con đường chính đạo dưới ánh sáng của đôi chân nến bạc; hình tượng Phó giáo chủ Nhà thờ Đức Bà Frôbô (Nhà thờ Đức Bà Pari – Victor Huygô) với tấm mặt nạ đạo đức giả không thể điều hoà giữa thèm khát và khổ hạnh đã gây ra nhiều việc xấu xa, trở thành quỷ dữ khi dục vọng thấp hèn không được thoả mãn; hình tượng Đức cha Ranfơ (Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen McCullough) luôn đấu tranh, giằng xé dữ dội trong nội tâm giữa một bên là tình yêu tự nhiên của con tim với một bên là những quy định, giới luật ngặt nghèo của giáo hội nhưng rút cục không dám sống thực với chính mình, với suy nghĩ của mình, không dám vứt bỏ tất cả danh vọng trong giáo hội để đến với tình yêu đang ngày càng lớn dần với Mecghi để rồi phải trả giá bằng cả cuộc đời sống trong đau khổ của sự ham muốn gần nhau mãi mãi không bao giờ đạt được; hình tượng vị cố đạo Môngtaneli (Ruồi trâu - Ethel Lilian Voynich), giám đốc trường dòng thánh Pidơ, là người có chức sắc trong giáo hội nên không dám công khai sự thật về đứa con ngoài giá thú, lừa dối đứa con đẻ của mình và chỉ dám ngấm ngầm đối xử thật tốt với Áctơ. Tình cảnh hai cha con càng ngày càng đối lập hoàn toàn về lý tưởng và con đường hoạt động với cái chết của Ácđã để lại trong lòng vị Hồng y bao nỗi dằn vặt, day dứt và cuối cùng cái chết cũng đến với ông… Trong nền văn học của các nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo (Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam), hình tượng các thiền sư, tăng, ni tu hành theo Phật pháp cũng được khắc hoạ khá đậm nét, thậm chí ở những nước này còn có riêng các tập tiểu truyện thiền sư. Ngoài hình tượng các thiền sư thuộc loại truyện cao tăng ở văn học Trung Quốc, không thể không kể đến hình tượng Đường tăng trong tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Xuất phát từ một chuyện có thật: Đời Đường Thái tông, nhà sư trẻ tuổi Huyền Trang một mình sang Thiên Trúc (Ấn Độ) lấy kinh, đường xa hàng mấy vạn dặm, đi về mất mười bảy năm trời, tác giả đã xây dựng lên hình tượng Đường tăng là một tín đồ đạo Phật thành tâm, hết sức coi trọng giới luật nhà Phật, ông là một người rất tốt, từ bi đến quên mình nhưng trước khó khăn thì đành chịu bó tay, mặt buồn ủ rũ, nước mắt tuôn rơi, luôn tâm niệm “không lúc nào xa rời lòng thiện”, “kẻ xuất gia này thà chết chứ không dám giết người” và cuối cùng đã tu thành chính quả được phong làm Thiên Đàn Công Đức Phật. Với tiểu loại truyện thiền sư trong nền văn học Việt Nam thời trung đại, người đọc có dịp ngỡ ngàng trước hình tượng các thiền sư không chỉ có đạo đức cao đẹp mà còn có những khả năng phi thường có thể có hữu ích cho nhân dân: Thiền sư Ma Ha, thiền sư Đạo Huệ, thiền sư Huyền Quang, thiền sư Giác Hải, đạo sĩ Thông Huyền… đặc biệt, hình tượng thiền sư Đạo Hạnh đã được khắc hoạ trong Thiền uyển tập anh mới đây lại trở thành đề tài và nhân vật trung tâm trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo - một tác phẩm thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu cũng như đông đảo độc giả. Có thể nói, hình tượng những nhà tu hành (dù là Thiên Chúa giáo hay Phật giáo) được khắc hoạ trong văn học thường được xây dựng như là biểu tượng cho tình yêu thương đầy vị tha và nhân bản của Thiên Chúa giáo, cho tinh thần từ bi hỷ xả cứu giúp, hướng thiện cho con người của Phật giáo. Ở một số trường hợp cụ thể, qua những hình tượng các nhà tu hành, các nhà văn đã đề cập đến bi kịch đấu tranh giằng xé giữa một bên là những khao khát, bản năng, tình cảm rất đỗi đời thường với một bên là những giới luật khắt khe mà giáo hội tôn giáo kiềm toả con người. Chính sự khám phá ra chiều sâu nội tâm trong những nhà tu hành đã thể hiện cái nhìn đầy nhân bản của các nhà văn trước con người và cuộc đời.
Dấu ấn của tôn giáo không chỉ biểu hiện ở những hình tượng kể trên mà còn biểu hiện qua những hình ảnh và chi tiết tưởng như rất đỗi gần gũi, thân thuộc trong tâm thức con người như: cảnh địa ngục, cảnh thiên đường, tiếng chuông nhà thờ, ngày lễ Giáng sinh, ngày lễ phục sinh… (Thiên Chúa giáo), hình ảnh những ngôi chùa, tiếng chuông chùa (Phật giáo)… Trong đó địa ngục thường được mô tả với cảnh tượng âm u rùng rợn , thiên đường là chốn cực lạc, chan hoà ánh sáng (Thần khúc của Đantê; Fauxt của Gớt; Cain của Bairơn); tiếng chuông nhà thờ (tiếng chuông chùa) thường là dấu hiệu của cuộc sống an bình, thức tỉnh tâm hồn con người (Trong cơn tuyệt vọng, Fauxt trong tác phẩm cùng tên của Gớt toan dùng thuốc độc tự vẫn nhưng tiếng chuông nhà thờ ngày lễ Phục sinh vang lên làm tiêu tan ý nghĩ đen tối); ngôi chùa là không gian thờ tự, tu hành đồng thời là nơi thực hiện những nghi lễ của Phật giáo, trong văn học hình ảnh ngôi chùa xuất hiện đã thật sự là nơi cứu nạn cứu khổ cho chúng sinh (ba lần Thuý Kiều gặp hoạn nạn của (Truyện Kiều - Nguyễn Du) là ba lần nàng tìm đến cửa chùa (Quan Âm Các, Chiêu Ẩn Am, Thảo am ở sông Tiền Đường) lánh nạn; Lục Vân Tiên (Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu) gặp tai nạn cũng tìm đến nương nhờ cửa Phật; Lan trong Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan (1933) cũng tìm đến chốn tu hành trong cảnh ngộ bị lỡ dở tình duyên với Điệp…), không những thế, dưới cái nhìn thế tục hoá, ngôi chùa trong nhiều tác phẩm còn trở thành không gian diễn ra những tình yêu đôi lứa (Hồn bướm mơ tiên – Khái Hưng; Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh)…
Bên cạnh những đề tài, hình tượng và chi tiết, sự ảnh hưởng của tôn giáo đối với văn học còn được nhận diện thông qua sự vay mượn, triển khai những môtip tôn giáo để kiến thiết cấu trúc tác phẩm văn học của các nhà văn. Có thể kể ra những môtip tôn giáo khá phổ biến và quen thuộc như:
Môtip bốn ngày chịu nạn của Chúa: Âm thanh và cuồng nộ (William Faulkner)
Môtip tội ác và trừng phạt: Thần khúc (Đanntê); Tội ác và trừng phạt (Đôxtôievxki); Tội ác và trừng phạt (Nguyễn Huy Thiệp)…
Môtip chịu nạn: Đôn Kihôtê (Mighen Đơ Xecvăngtex); Những người khốn khổ (Victor Huygô); Ông già và biển cả (Ơnixt Hêminguây); Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà)…
Môtip vượt qua cám dỗ, dục vọng thấp hèn: Fauxt (Gớt); Rửa tội (Nguyễn Việt Hà)…
Môtip đấu tranh giữa tình yêu và giới luật tôn giáo: Tiếng chim hót trong bụi mận gai (Colleen McCullough); Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng)…
Môtip cái chết của đứa con ngoài giá thú của một Hồng y giáo chủ: Tiếng chim hót trong bụi mận gai (Colleen McCullough); Ruồi trâu (Ethel Lilian Voynich)…
Môtip đầu thai, thác sinh: sư Huyền Quang trong Tổ gia thực lục; Sơ kính tân trang (Phạm Thái); Cõi luân hồi (Thần Long); Đức Phật, nàng Savitri và tôi (Hồ Anh Thái); Giàn Thiêu (Võ Thị Hảo)…
Môtip đi tu: Tây du ký (Ngô Thừa Ân); Quan Âm thị Kính (vở chèo cổ); Truyện Kiều (Nguyễn Du); Tắt lửa lòng (Nguyễn Công Hoan); Giàn thiêu (Võ Thị Hảo)…
Môtip thử thách sắc giới: truyện Hoà thượng Nguyệt Minh độ cô Liễu Thuý của Phùng Mộng Long, các truyện thử thách sắc giới trong Tây du kí của Ngô Thừa Ân, truyện sư Huyền Quang và nàng Điểm Bích trong Tổ gia  thực lục
Có thể nói, hầu hết các môtip tôn giáo kể trên khi tham gia trong cấu trúc các tác phẩm văn học thường đóng vai trò là các môtip bắt buộc góp phần đem lại sức hấp dẫn cho tác phẩm văn học đồng thời là chìa khoá cho sự giải mã của độc giả về chiều sâu tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó.
Đến với văn học, người đọc không chỉ tìm thấy và nhận diện được những dấu ấn của tôn giáo qua hệ thống đề tài, môtip, hình tượng và chi tiết mà quan trọng là trong rất nhiều tác phẩm văn học thấm đẫm cảm quan, tư tưởng, triết lý tôn giáo. Chẳng hạn như tinh thần vị tha, nhân ái cao cả của Thiên Chúa giáo chan chứa trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Huygô mà nhà nghiên cứu Nicôn Xary đã đánh giá là “Câu chuyện được tổ chức quanh một trục kép: chiều ngang, chuỗi mắt xích của chuyện được kể và những sự kiện được kể, chiều dọc là sự vươn lên tới Đức Chúa của lương tri con người” [10, 499]. Tinh thần ấy được thể hiện qua hai hình tượng: giám mục Mirien và Jăng Văn Jăng. Trong đó, giám mục Mirien được khắc hoạ là người có lòng nhân từ độ lượng, ông đã đối xử tử tế với Jăng Văn Jăng và còn tha thứ cho Jăng tội ăn cắp bộ thìa dĩa bằng bạc, sau đó ông còn tặng thêm anh một đôi chân nến bằng bạc và chính ánh sáng của tình thương yêu, của cái thiện toát ra từ đôi chân nến bạc đã rọi chiếu tâm hồn khiến Jăng Văn Jăng tự dày vò khi trong cơn mê muội, để rồi đến lượt mình, mọi suy nghĩ, hành động của anh đều xuất phát từ lòng yêu thương con người, thậm chí hy sinh cả tiền bạc, địa vị, tên tuổi của bản thân mình vì người khác bởi cả cuộc đời Jăng luôn tâm niệm: “Trên đời, chỉ có một điều ấy thôi: đó là thương yêu nhau”. Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng với một chủ nghĩa nhân đạo mãnh liệt và thống thiết với những tác phẩm như Bỉ vỏ, Bảy Hựu, Cuộc sống, Hơi thở tàn… đã nói lên thật sâu sắc những nỗi thống khổ của con người mà theo Nguyễn Đăng Mạnh: “…có thể có ảnh hưởng của Đạo Cơ đốc, ít ra là trong hình thái biểu hiện: Hình ảnh Chúa Kitô là cả một biểu tượng đậm nét và đầy xúc động về sự thống khổ chồng chất mà con người phải chịu đựng trên cõi đời này” [06, 434].
Cảm quan nhà phật về tính vô thường của cuộc đời, tính vô ngã của con người cũng được thể hiện rất đậm nét qua biểu tượng dòng sông trong tác phẩm Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse.  Đặc biệt trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân, độc giả rất dễ nhận ra dấu ấn của tư tưởng định mệnh, tư tưởng nhân quả báo ứng và Phật pháp vô biên qua những hình ảnh và chi tiết như: Con đường thầy trò Đường tăng tây du để thỉnh kinh nhất thiết phải trải qua chín chín tám mươi mốt nạn không thể thiếu nạn nào, nếu thiếu phải thêm vào và thường là lúc tai qua nạn khỏi có một vị thần đến thuyết giáo một hồi tựa như “cái ăn, cái uống đều do tiền định”, “ma chướng chưa hết cho nên bách linh hạ giới, phải chịu tai nạn”, như vậy là điều hoà được cuộc dấu tranh  của Tôn Ngộ Không với thuyết định mệnh. Bên cạnh đó chuyện Lưu Toàn dâng dưa và chuyện hạn hán ở quận Phượng Tiên lại minh chứng cho tư tưởng nhân quả báo ứng. Còn như tư tưởng Phật pháp vô biên thì biểu hiện cụ thể ở chi tiết Tôn Ngộ Không bị Như Lai khống chế, tuy y có tài nhào một cái là xa mười vạn tám ngàn dặm nhưng lại không vượt khỏi lòng bàn tay của Như Lai.
Phải nói thêm là ở Việt Nam, trong giai đoạn đầu tiên (thế kỷ X - thế kỷ XIV) của văn học trung đại khi Phật giáo được coi là quốc giáo thì thơ văn Phật giáo chiếm phần nhiều. Với chức năng của bài kệ, bài thơ chùa là phổ biến ngắn gọn những vấn đề quan trọng trong kinh Phật cho nên nó thường nói về sự huyền diệu của đạo Phật, thường giải thích nội dung giáo lý của Phật giáo. Những tác phẩm ấy có thể là những quan niệm, triết lý, hình tượng để giác ngộ chân lý đạo Phật cho các đệ tử, chẳng hạn như: Thị đệ tử (Thiền sư Vạn Hạnh); Hưu hướng Như Lai (Thiền sư Quảng Nghiêm); Tâm không (Thiền sư Viên Chiếu)… Không ít các tác phẩm là những sáng tác của các thiền sư đã thể hiện sâu sắc cảm xúc, tài năng, tâm hồn của nhà thơ, những tác phẩm này đã vượt qua khuôn khổ của vườn thiền trở thành thơ ca dân tộc: Cáo tật thị chúng (Thiền sư Mãn Giác); Ngôn hoài, Ngư nhàn (Thiền sư Không Lộ); Phóng cuồng ngâm (Tuệ Trung thượng sĩ); Xuân hiểu, Hựu sơn phòng mạn hứng (Trúc Lâm Tam tổ Trần Nhân Tông); Sơn Vũ (Huyền Quang)…
Những biểu hiện của yếu tố tôn giáo trong văn học phong phú, đa dạng, phức tạp, nhiều cấp độ, nhiều tầng bậc như thế nên việc xác định, giải mã nó để đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm thật không mấy dễ dàng. Cố nhiên, với những tác phẩm văn học có dấu vết sự vay mượn, chịu ảnh hưởng từ tôn giáo thì việc xác định những yếu tố tôn giáo và giải mã nó lại là công việc không thể bỏ qua của các nhà nghiên cứu và những độc giả đích thực bởi đứng ở góc độ nào đó thì những yếu tố tôn giáo là những chất liệu nghệ thuật có những chức năng và tác dụng trong việc tạo dựng tác phẩm văn học cũng như chuyển tải tư tưởng, nghệ thuật của tác giả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.                Các Mác – Ph.Ănghen - Tuyển tập T1. NXB Sự thật. HN 1980
2.                Đào Ngọc Chương - Hiện tượng chuyển hoá trong văn học - Trường hợp huyền thoại . Tạp chí nghiên cứu văn học số 11/2008
3.                Hà Minh Đức - Hưởng thụ văn hoá và văn hoá hưởng thụ. Tạp chí nghiên cứu văn học số 10 / 2008
4.                Phạm Gia Lâm – Motip Kyto giáo trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Magarita” của M.Bulgakov (Thử nghiệm tiếp cận liên văn bản) – Trang web vienvanhoc.org.com (10/2006)
5.                Phương Lựu - Phương Lựu tuyển tập T2 (Lí luận văn học hiện đại phương Tây kết hợp luôn vấn đề Thi học so sánh). NXB Giáo dục. HN 2005.
6.                Nguyễn Đăng Mạnh - Những bài giảng về tác gia văn học Việt Nam hiện đại. NXB Đại học Sư phạm. HN 2005
7.                Hoài Nam - Phật sử và hư cấu văn chương – evan.com (Thứ sáu ngày 18/5/2007)
8.                N.I.Niculin – Các tôn giáo cổ truyền và văn học Việt Nam thế kỉ XX. Tạp chí văn học số 11 / 2000
9.                Nhiều tác giả - Giáo trình triết học Mác – Lênin (Dùng trong các trường đại học, cao đẳng). NXB Chính trị quốc gia. HN 2004.
10.            Nhiều tác giả - Văn học Phương Tây. NXB Giáo dục. HN 1999
11.            Trần Đình Sử (chủ biên) – Giáo trình Lí luận văn học T1 (Giáo trình Cao đẳng sư phạm). NXB Đại học Sư phạm. HN2006
12.            Lương Duy Thứ (chủ biên) - Đại cương văn hoá phương Đông – NXB Giáo dục. HN 1996

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét