Xuống phố mùa xuân. Mưa bụi bay bay lắc rắc. Cây cối
bên đường bén hơi xuân đâm chồi, nẩy lộc. Mặc cho giá rét, đào, mai vẫn bật
ngời sắc thắm. Sức sống mùa xuân như bừng lên ngập tràn không gian trong thoang
thoảng nhang trầm từ nhà ai bên phố. Có cô gái mái tóc xõa vai, khăn quàng ấm
áp, nhẹ nhàng nâng đóa tầm xuân để người bạn thân làm phó nháy ghi lại khoảnh
khắc làm duyên. Chừng ấy đủ để níu bước chân người người trên phố. Chừng ấy đủ
để lòng ai cảm thấy phơi phới, rộn ràng. Có cảm giác ngựa vàng Giáp Ngọ đang
cất vó lướt qua từng con đường, hàng cây, góc phố mang nàng xuân đến gõ cửa khắp
nhân gian. Xốn xang. Náo nức.
Ai đó nói “Xuân, người ta vì ấm mà cần tình”. Mùa xuân
còn là mùa cưới, mùa yêu, mùa “trai lớn cưới vợ, gái lớn gả chồng” đẹp nhất
trong năm. Phải thế chăng mà trong khoảnh khắc chia tay Rắn vàng Quý Tỵ để đón
chào bước chân của Ngựa quý Giáp Ngọ, giữa không khí mênh mang của đất trời,
xôn xao của lòng người, ôn chuyện người xưa kén rể là một điều thật thú vị. Thú
vị hơn là trong câu chuyện ấy có sự xuất hiện của một loài ngựa quý hiếm, chỉ
nghe tên đã đủ tò mò, ấy là đôi “ngựa chín hồng mao” mà phải có nó cùng với
“một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, mỗi
thứ một đôi” thì chàng Sơn Tinh tài giỏi mới vượt qua được Thủy Tinh (cũng tài
giỏi không kém) để giành được nàng Mỵ Nương xinh đẹp về làm vợ và trở thành con
rể Vua Hùng.
Vậy, thực hư về “ngựa chín hồng mao” là như thế nào? Dường
như đây là câu hỏi chung của hầu hết những ai đã từng biết đến truyền thuyết
“Sơn Tinh, Thủy Tinh” nổi tiếng ngàn đời trên mảnh đất Lạc Việt. Dấu chân “ngựa
chín hồng mao” (con ngựa có chín cái lông màu hồng) thoảng nhẹ như gió trong
màn sương huyền ảo của truyền thuyết, vậy mà đã khiến không ít người lao tâm
khổ tứ, bỏ công bỏ sức truy tìm vết tích của nó. Là hư ảo chăng bởi điểm qua
những loài Ngựa được người xưa ghi danh như Ngựa Hạc (lông trắng toát), Ngựa
Kim (lông trắng), Ngựa Hởi (lông trắng, bốn chân đen), Ngựa Hồng (lông màu
nâu-hồng), Ngựa Tía (lông màu đỏ thắm), Ngựa Đạm (lông màu đỏ sẫm ánh vàng),
Ngựa Khứu (lông màu đỏ đậm pha nâu đậm), Ngựa Ô (lông màu đen), Ngựa Bích (lông
màu xám tro), Ngựa Séo (lông màu xám đốm trắng), Ngựa Qua (lông màu vàng kim
hoàng), Ngựa Phiếu (lông màu vàng lang trắng), Ngựa Chuy (lông trắng ánh xám
bạc), Ngựa Thông (lông màu xanh-đen ánh xám bạc)… tuyệt nhiên không có con ngựa
nào mang tên “ngựa chín hồng mao”? Là hoang đường chăng khi mà trong không ít
thư tịch cổ được khảo sát, người ta không còn thấy ngựa chín hồng mao “tái xuất
giang hồ” một lần nào khác nữa ngoại trừ lần xuất hiện độc nhất trong câu
chuyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”? Theo quan điểm của người viết bài này, xin khẳng
định rằng, cùng với “voi chín ngà, gà chín cựa” thì “ngựa chín hồng mao” chắn
chắn là có thật, chỉ có điều đó là những sản vật quý giá “hiếm có khó tìm” mà thôi.
Cơ sở để khẳng định điều này xuất phát từ một logic rất đỗi tự nhiên: