KÍNH VẠN HOA, NHẬT KÝ CỦA MẸ, SÁNG TÁC, LƯỢM LẶT ĐÓ ĐÂY

6 thg 1, 2014

NHỚ LẮM, TẾT QUÊ!

Từ khi tôi còn là con nhóc bé xíu đến giờ là cô sinh viên năm cuối, năm nào cũng vậy, cứ khoảng 26, 27 tết là gia đình tôi lại thu xếp công việc, rộn ràng sửa soạn để về quê đón xuân cùng ông bà. Bố tôi bảo, ăn tết ở quê vui hơn, có không khí hơn, với lại “cả năm xuôi ngược đất khách quê người, đó cũng là dịp để gia đình sum họp, con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ”; quan trọng hơn là để “giữ nếp nhà, bồi đắp thêm tình cảm gắn bó của con cháu với gia đình cùng quê hương, bản quán”. Còn cái con bé hai mươi mấy tuổi đầu là tôi ấy thì cũng không nghĩ nhiều, nghĩ sâu đến thế, trong ấn tượng của tôi “tết ở quê thật đặc biệt”!
Các bạn trẻ đón tết ở thành phố chắc chẳng thể hình dung nổi “mổ lợn ăn tết” là thế nào, không khéo có bạn nghe nói còn bĩu môi “vẽ chuyện, thực phẩm đầy chợ, đầy siêu thị, đi một cua là mua đủ cho mấy ngày tết, mổ lợn làm gì cho nó bận ra”. Nhưng chúng tôi ăn tết ở quê và như một thói quen, chúng tôi mong chờ buổi sáng tinh mơ ngày 28, khi không khí tết tràn về năm gian nhà của ông bà trong làn mưa xuân bay lất phất, làn gió lạnh ẩm thoang thoảng hương trầm là lúc tất cả các thành viên trong gia đình tôi chẳng ai bảo ai cùng dậy thật sớm, mỗi người xăm xắm một việc để chuẩn bị “mổ lợn”: Bà tôi sắp ra nào mo, nào lạt, rồi chậu, rồi thớt, rồi dao; Bố mẹ tôi bảo nhau bắc rồi nước to, rang đỗ, rang lạc; Tôi cùng mấy đứa em vừa trò chuyện vừa luôn tay nhặt hành, nhặt răm và các loại rau thơm khác…
 Nghe tiếng người gọi, y rằng ông tôi nhanh nhẹn ra mở cổng đón khách (khách là ba bốn người bà con “đụng” chung con lợn), tiếng chào hỏi, cười nói xôn xao. Lợn được mấy người bà con “mổ” giúp, sau khi làm xong có bao nhiêu người “đụng” thì chia từng đấy phần, rồi chia phần xay giò, phần làm giò xào, phần gói bánh chưng, phần làm các nguyên liệu cho những món ăn khác trong ngày tết. Tôi biết có đôi lần, sợ ông bà tuổi cao mà vất vả nên bố mẹ xin được đảm nhiệm mua sắm thực phẩm đầy đủ trên phố mang về nhưng ông tôi không chịu. Ông bảo con cái cứ yên tâm, khi nào ông bà còn chăn nuôi được một con lợn và một đàn gà bằng rau, thóc của nhà để cháu con có “thực phẩm sạch” dùng trong ngày tết nghĩa là ông bà còn khỏe mạnh và minh mẫn, khi ông bà ốm yếu rồi thì có muốn cũng chẳng làm được. Tự dưng, tôi thương ông bà vô cùng. Tôi ước nhiều bạn trẻ ở phố như tôi được về quê đón tết. Về quê không phải chỉ để được “ăn tết” bằng “thực phẩm sạch” mà hơn thế là để thấy ngay từ những việc rất đỗi bình thường như chuẩn bị “mổ lợn ăn tết” cũng khiến mùa xuân trở nên rộn ràng. Và tết đến một cách rất đỗi tự nhiên trong không khí vui vẻ, đầm ấm của mỗi gia đình ngay từ những - ngày - chưa - đến - tết!
Tết quê! Điều khiến chị em tôi thích thú nhất là được đi chợ tết. Khác với ở phố (đi vài bước là thấy chợ, thấy cửa hàng, thấy siêu thị; hàng hóa thì lúc nào cũng đầy ăm ắp, “thượng vàng hạ cám” chẳng thiếu cái gì), chợ tết quê tôi vẫn họp theo phiên (chợ làng này phiên lẻ, chợ làng khác phiên chẵn, cuối cùng ngày nào cũng vẫn có chợ) nhưng đi chợ phiên phải đi sớm mới đông vui chứ đi khi chợ vãn là sẽ có người tiếc hùi hụi vì lỡ đánh mất cả không khi náo nức ngày tết. Chợ tết ở quê rực rỡ với những dãy quất trĩu quả xếp dài, những tầm xuân, đào, dơn, hồng, cúc… khoe sắc hàng nọ san sát hàng kia dọc hai bên đường. Người đi chợ đủ mọi thành phần, lứa tuổi: những người bà xách làn vừa đi vừa bỏm bẻm nhai trầu; những người mẹ một tay ôm bó hoa mới mua (hoặc làn đồ trĩu nặng) tay kia còn dẫn theo một, hai đứa con nhỏ (mặt mũi đứa nào đứa ấy hớn ha hớn hở); những nam thanh nữ tú cầm tay nhau, í ới gọi nhau… Không khí đông vui như trảy hội khiến ai đó có cảm giác dòng người tấp nập kia đi chơi chợ là chính, việc mua bán chưa hẳn là quan trọng nhất. Chợ tết ở quê có nhiều hàng bán tò he xanh đỏ bắt mắt, người bán hàng luôn tay nặn các loại hoa, các con vật vô cùng sinh động giống y như thật còn lũ trẻ con xúm đông xúm đỏ mắt tròn mắt dẹt đầy ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Chợ quê còn có các trò chơi dân gian (cờ tướng, cờ vua), các trò chơi thử vận may mắn (tôm-cua-cá) không kém hấp dẫn và níu chân người (đặc biệt là nam thanh niên) song cái không khí xuân náo nức ấy khiến cho người chơi không bị sa đà bởi ở nhà còn bao việc cần phải chuẩn bị để đón tết. Chợ quê, các sạp hàng bán rau, củ, quả, cá, thịt cũng đông người mua nhưng bán chạy hàng nhất lại là các sạp quần áo với rực rỡ sắc màu, phong phú kiểu dáng, chủng loại nhưng giá cả lại không hề đắt. Thực ra, trẻ con ở quê bây giờ cũng được mua sắm quần áo đầy đủ, thường xuyên, không bị thiếu thốn quá nhưng người dân quê tôi vẫn giữ nếp nghĩ cứ tết đến là kiểu gì cũng phải sắm cho con “manh áo mới”. Chao ôi, nhìn cảnh đó mà cảm động! Tự nhiên thấy dưng dưng khi nhớ về ngày cũ (chừng mười mấy hai mươi năm về trước), chị em tôi sung sướng nhẩy cẫng lên khi thấy trong giỏ hàng tết của mẹ có bộ quần áo mới cho mình.
Ở phố, bánh chưng được bán quanh năm, người ta có thể đặt (hoặc mua) là có ngay dăm ba cái trong nhà dịp tết. Tết quê, gói rồi luộc bánh chưng là một công việc không thể thiếu, vừa gẫn gũi, thân quen, vừa nghi lễ, trang trọng. Thường là mấy phiên chợ trước đó, bà tôi đã bỏ công lựa chọn những bó lá dong to bản, xanh mướt về dựng ở góc nhà để đến lúc mang ra gói bánh, lá vẫn còn tươi xanh. Bà còn cặm cụi sàng sẩy để chọn lựa những hạt gạo nếp cái hoa vàng trắng, đều, những hạt đỗ xanh, mẩy làm bánh. Chị em tôi cũng góp sức trong việc rửa lá, lau lá thật cẩn thận (bà bảo phải rửa sạch, lau sạch thì bánh không bị sạn, bánh dù ngon mấy mà sạn thì xem như là hỏng). Và cuối cùng, lũ trẻ chúng tôi say sưa theo dõi từng chiếc bánh vuông vức, xanh mướt lần lượt xuất hiện nhờ bàn tay khéo léo của ông và bố. Khi số bánh đã đủ theo dự định, thế nào chị em tôi cũng được ông gói cho mỗi đứa một “đồng bánh rùa” khiến chúng tôi vô cùng sung sướng. Tối đến, sau khi cơm nước xong xuôi, đại gia đình lại ngồi quanh nồi bánh chưng đang sôi ục ục chuyện trò rôm rả. Chúng tôi rất thích nghe bà kể chuyện ngày xưa (dù có chuyện đã nghe không dưới chục lần) như ông bà gặp nhau thế nào, nên duyên chồng vợ ra sao, chuyện sinh con đẻ cái, chuyện năm tháng chiến tranh quẩy con trong thúng chạy đi sơ tán… Ông và bố thì hay nói chuyện thời sự trong nước, thời sự quốc tế, chuyện hội hè, đình đám, làng xã. Mẹ tôi chăm chú kều bếp giữ cho lửa luôn đều, không bùng to, không tắt lịm, lặng lẽ theo dõi câu chuyện, thỉnh thoảng mỉm cười. Bếp bắc đầu hè nhưng ấm lạ. Bầu không khí ấy khiến ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc thật nhiều bên người thân của mình trong mùa xuân mới. Cũng chẳng biết câu chuyện kết thúc lúc nào, ai tắt bếp vớt bánh (bởi lũ trẻ thường đi ngủ trước) nhưng sáng ra chị em tôi vui sướng vô cùng khi nhìn những chồng bánh chưng còn xanh nguyên màu lá được xếp ngay ngắn trên bàn, trên cùng là những “đồng bánh rùa” nho nhỏ, xinh xinh. Và những đồng bánh đẹp nhất, vuông vức nhất sẽ được chọn, đặt trang trọng lên bàn thờ để cúng tổ tiên ngày tết.
Tết quê còn nhiều điều thú vị. Ấy là cứ đến giao thừa, chúng tôi lại được bố mẹ dẫn đi lễ chùa, đi lễ ở nhà thờ họ. Đường làng ngõ xóm luôn xôn xao tiếng người chào hỏi, cười nói bởi khi đi chúc tết, người quê thường đi bộ, giữa đường gặp nhau còn nán lại câu chào, chúc nhau những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét