
Song, nói là nói vậy chứ một người đàn ông dù nhiệt tình, trách nhiệm đến mấy tự dưng phải lo việc nhà cửa, cơm nước, con cái (mà lại là hai đứa, đứa lớn vào lớp hai, đứa bé hơn hai tuổi) – việc mà từ trước đến nay ít phải bận tâm – thực sự không đơn giản chút nào. Nghĩ vậy, tôi âm thầm chuẩn bị và “tập huấn” cho “bố tụi nhỏ” những “kĩ năng làm mẹ” cơ bản.
Việc đầu tiên
tôi nghĩ đến ấy là làm sao để tụi nhỏ đón nhận thực tế “mẹ vắng nhà” trong
khoảng thời gian dài với một tâm lý hoàn toàn chủ động, không bị chống chếnh, hụt hẫng. Tôi làm “công
tác tư tưởng” cho các con trong các cuộc trò chuyện mỗi ngày. Nào là chuyện sắp
tới mẹ đi công tác ở đâu, có xa không, ở đó phong cảnh thế nào, mẹ sẽ làm những
việc gì hàng ngày, mẹ sẽ nói chuyện với ba bố con bằng phương tiện gì, gia đình
mình sẽ nhìn thấy nhau trên màn hình webcam như thế nào… Nào là chuyện ở nhà
với bố thì các con phải ra sao, con gái lớn rồi, khi mẹ vắng nhà phải giúp bố
trông em và tự giác học bài; con trai xa mẹ, đừng khóc nhè quấy bố, đừng nghịch
ngợm đồ đạc, đi ngủ phải đúng giờ, ăn uống không được ngậm lâu trong miệng… Bên
cạnh việc “nói” để các con biết, tôi còn hướng dẫn các con “làm” những việc nhỏ
thôi như vệ sinh cá nhân hàng ngày, dọn đồ chơi sau khi chơi xong, hay để giày
dép quần áo đúng vị trí,… nhưng với những việc nhỏ đó tôi hy vọng sẽ vơi bớt
phần nào khó khăn khi anh phải “gà trống chăm con”.
Tiếp đến là
chuẩn bị “cơ sở vật chất” phục vụ những nhu cầu thiết yếu của lũ trẻ trong bốn
tháng. Lúc đầu, tôi cứ tưởng đơn giản, vậy mà công việc này chiếm một khoảng
thời gian không nhỏ và cần rất nhiều sự tỉ mỉ, cẩn thận. Trước hết, tôi sắp xếp
quần áo của mỗi nhóc vào một tủ riêng biệt, trong đó mỗi ngăn tủ để một chủng
loại quần áo, phụ kiện và được dán nhãn chỉ dẫn cụ thể nhằm giúp anh nhìn vào
đó là biết ngay ngăn nào đựng quần áo ấm, ngăn nào quần áo mát, quần áo đi học,
mũ mão, khăn tất… Về chăm sóc sức khỏe cho con, tôi cũng dặn dò anh “quan trọng
là phải luôn giữ cho con đủ ấm, không bị nóng hoặc lạnh quá” và “khi con mắc
bệnh phải cho con đi khám và tuân thủ chỉ định của bác sĩ”. Tuy vậy, những loại
thuốc thông dụng để lúc nào cần là có ngay như thuốc giảm sốt, thuốc chữa rối
loạn tiêu chảy, si-rô ho, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, kem chữa phỏng… và một số dụng cụ y tế cần thiết khác như nhiệt kế, bông y tế, băng
dán vết thương Urgu,… tôi để sẵn trong tủ thuốc. Tất nhiên, loại nào dùng cho người lớn, loại nào dùng
cho em bé, liều lượng cho mỗi độ tuổi ra sao phải ghi chú thích và dán ngoài vỉ
thuốc rõ ràng. Việc ăn uống của các bé cũng là vấn đề nan giải. Không trực tiếp
lo được cho các con, tôi đành sử dụng một cuốn sổ ghi chép lại cẩn thận loại
sữa con uống, cách pha, địa chỉ mua sữa, những món ăn các con thích và gợi ý
một số thực đơn đảm bảo dinh dưỡng cho con mỗi ngày. Lúc tôi đưa cho chồng cuốn
sổ và “tập huấn” cho anh cách nấu cơ bản, tôi thấy anh xúc động lắm. Và mặc dù
thao tác còn vụng về nhưng tôi đọc được trong đó sự cố gắng rất nhiều của anh,
cố gắng để có thể “làm mẹ… bốn tháng” và cố gắng để tôi yên tâm nơi xứ người.
Ngày tôi “lên đường” đã đến. Sự chuẩn bị cho công cuộc “vắng nhà” khá
chu đáo nên tôi cũng yên tâm hơn. Cũng may mắn là nhờ có công nghệ thông tin
hiện đại nên gia đình chúng tôi vẫn nhìn thấy nhau và nói chuyện mỗi ngày. Anh bảo
“Con gái lớn biết nhớ lời mẹ dặn rồi nên thương bố, rất tự giác trông em, học
bài” khiến tôi thấy vui vui. Anh hồn nhiên kể “cái món thịt kho tàu ấy em hướng
dẫn kỹ rồi mà sao anh nấu màu không được đẹp như thế, tụi nhỏ ăn cứ kêu không
ngon bằng mẹ làm” khiến tôi bật cười. Nhưng khi anh nói “Chỉ khổ thằng bé con còn
nhỏ quá nên đêm đến cứ vật vã quấy khóc vì nhớ mẹ. Anh toàn phải ngồi bế con cả
đêm để con ngủ” rồi ao ước “Cả tuần nay anh toàn phải ngủ ngồi thôi. Giờ anh
chỉ ao ước được ngủ một giấc trọn vẹn” khiến tôi không cầm được nước mắt. Anh
thú nhận “Làm mẹ… khó thật đấy! Sao mà “bốn tháng… làm mẹ” đối với anh lại dài
đằng đẵng thế này?!”. Tôi thương anh và các con quá! Tôi chỉ mong sao hoàn
thành khóa học, kết thúc thời gian “vắng nhà” thật nhanh chóng để anh được trở
về đúng vị trí “làm bố” của mình. Rồi ngày trở về đã đến. Tôi mừng rơi nước mắt
khi thấy ba bố con tụi nhỏ khỏe mạnh, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Về đến nhà,
thằng bé con nhảy luôn lên cái cân kiểm tra sức khỏe “Mẹ, mẹ…Bin, Bin” ý chừng
khoe, con chị chạy đến nhìn, nó đọc rất nhanh “mười sáu cân” rồi nhảy lên vui
sướng “Mẹ ơi, em tăng một cân rồi”. Anh thì thầm vào tai tôi “Đấy, em thấy anh
“làm mẹ” có “ngon” không?!”. Tôi bật cười “Ông xã em… đúng là number one!”.
Bây giờ nghĩ lại kỉ niệm ấy tôi vẫn thầm thương cho
cảnh ngộ “gà trống chăm con” của chồng mình ngày nào nhưng cũng thầm cảm ơn
quãng thời gian “làm mẹ” bất đắc dĩ của chồng vì từ đó anh tích cực chia sẻ
công việc gia đình, chăm sóc con cái với tôi hơn. Quan trọng hơn là tôi cũng đúc
rút được thêm kinh nghiệm để có thể yên tâm khi phải “vắng nhà”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét